08 Nov Sếp mong đợi gì ở nhân viên
Sếp của bạn muốn gì? Bạn đã bao giờ biết sếp của bạn thực sự mong đợi điều gì từ bạn chưa? Để làm một nhân viên tốt, bạn không chỉ phải làm việc thật hiệu quả mà còn phải biết đoán ý sếp. Có như thế bạn mới thực sự là một nhân viên hoàn hảo trong mắt sếp.
Greg Clure, giám đốc một công ty kinh doanh tại bang California, Mỹ đã chia sẻ một vài ý kiến của mình về những gì ông cần và mong đợi từ nhân viên của mình. Ông đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn để chọn cho được ứng viên ưng ý nhất. Ông nói: “Tôi mong đợi tìm được một nhân viên tuyệt vời hơn là một công nhân xoàng. Một nhân viên lý tưởng sẽ là mô hình để mọi thành viên khác trong công ty noi theo”. Clure cũng giống như nhiều ông chủ khác đã đưa ra những tiêu chuẩn mà ông mong đợi ở một nhân viên lý tưởng. Dưới đây là một số tiêu chuẩn chung các sếp thường muốn thấy ở nhân viên của mình:
- Chủ động và tháo vát
Clure nói: “Tôi cần những người có thể hoàn thành tốt công việc trong một quãng thời gian hợp lý. Tôi đánh giá cao sự tháo vát. Tôi không cần người suốt ngày lẽo đẽo theo tôi để hỏi xem mình phải làm gì”.
- Nhiệt tình và siêng năng
Hãy tập trung vào công việc trong giờ làm. Đừng để những việc phù phiếm khác làm sao nhãng sự tập trung của bạn. Luôn luôn tích cực. Hãy cho người khác biết những gì bạn có thể làm.
- Luôn bền bỉ
Hãy duy trì sự chăm chỉ và cường độ làm việc ổn định trong suốt thời gian. Tránh xao động. Hãy làm việc với một tinh thần và cường độ dồi dào, nhiệt huyết bất kể trong thời điểm nào, sáng hay chiều, đầu tuần hay cuối tuần và ở bất kỳ dự án nào.
- Thể hiện sự tôn trọng và trung thành với sếp
Luôn tôn trọng vị trí của sếp. Cư xử nhã nhặn, lịch thiệp với sếp. Hãy ca tụng, khen ngợi sếp mình với người khác. Sếp sẽ rất hài lòng nếu bạn “khoe khoang” về sếp với thế giới bên ngoài.
- Luôn thẳng thắn và chân thành
Hãy để sếp nắm được mọi diễn biến của công việc. Giữ vững liên lạc và kết nối công việc với sếp. Tư vấn cho sếp để công việc được thực hiện trôi chảy và thành công đồng thời tạo được sự đồng thuận từ hai phía. Lưu ý, chỉ nói chuyện với sếp khi biết chắc sếp hào hứng và cởi mở với câu chuyện của bạn. Đồng thời hãy thẳng thắn cho sếp biết bạn mong chờ gì từ họ.
- Duy trì sự hài hước của bạn
Hãy biết cách đơn giản hóa mọi việc bằng những phút hài hước trong giờ làm. Bạn sẽ giúp hóa giải mọi khó khăn và động viên mọi người trong công ty cùng làm việc tốt hơn.
Sưu tầm.
No Comments